A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

SWISS MADE - Câu chuyện về sự thành công thần kì của đất nước Thuỵ Sỹ

Người Thuỵ Sỹ bảo nhau đất nước họ chẳng có gì, thế mà giờ họ có tất cả. Ta bảo nhau là ta có tất cả, thế mà chúng ta chẳng có gì. Thật đáng suy ngẫm.

 

Swiss Made – câu chuyện thần kì về thành công của đất nước Thuỵ Sỹ.

Tác giả: R. James Breiding

(Người cần đọc thì chả đọc, người không cần đọc thì lại lao vào đọc)

 

Một cuốn sách 600 trang và thông tin dày đặc thú vị đến mức không biết bắt đầu từ đâu. Với nhiều người, nói đến Thuỵ Sỹ là phải nói đến….ngân hàng. Thế nhưng lĩnh vực này chỉ đóng góp có 18% GDP của Thuỵ Sỹ, 72% còn lại đến từ đâu? Quyển sách cho người ta lời giải vì sao một đất nước bị thiên nhiên “hắt hủi” về mặt tài nguyên, khí hậu lại trở thành một trong những nước giàu nhất và thuộc hàng các nước có quyền lực lớn nhất trong lĩnh vực giao thương hàng hoá trên quy mô thế giới.

 

Đọc Swiss made chắc hẳn người Đức sẽ tiếc nuối vì Heinrich Nestlé đã không lập nghiêp ở nước mình, Pháp sẽ tiếc nuối vì cuộc thanh trừng người Tin Lành khiến biết bao nhiêu nhà khoa học và nghệ nhân lành nghề chạy sang Thuỵ Sỹ trong đó có French Hugenots, cha đẻ của ngành sản xuất đồng hồ.  Ba Lan tiếc một Norbert de Patek  (người đã kết hợp với Adrien Philippe, người Pháp) tạo ra thương hiệu đồng hồ Philippe Patek đình đám sau này cũng như tiếc một Hoffmann – La Roche, một công dân người Ba Lan đã sáng lập công ty dược phẩm hàng đầu thế giới La Roche sau này….

 

Swiss made còn là cẩm nang kinh doanh khi phân tích sự nhạy bén của người Thuỵ Sỹ trong việc đón đầu sự ra đời của ngành du lịch để làm giàu cho đất nước mình thế nào; phân tích sự cương quyết và đồng lòng vực dậy ngành công nghiệp đồng hồ trước sự cạnh tranh mạnh mẽ tưởng chừng không gì ngăn nổi của công nghiệp đồng hồ Nhật Bản; Đưa ra những bài học quan trọng về marketing như: dùng quảng cáo ngoài trời khổng lồ để lập kỷ lục thu hút sự chú ý của công chúng, đưa ra khái niệm bộ sưu tập trong ngành sản xuất đồng hồ, chú trọng thay đổi décor cửa hàng 6 tháng 1 lần, đưa yếu tố cảm xúc vào thiết kế sản phẩm công nghiệp; Swiss made kể câu chuyện về nhà sản xuất đồng hồ Breguet khởi nghiệp thành công nhờ chất lượng sản phẩm và đặc biệt chú trọng tới design sản phẩm và tạo vỏ bọc huyền bí cho sản phẩm và quy trình sản . Swiss made kể câu chuyện khởi nghiệp tuyệt vời của Nestlé, của César Ritz (chủ chuỗi khách sạn dành cho những ông hoàng và là ông hoàng của nhiều chuỗi khách sạn), Lindt (sô cô la)…Swiss Made cũng phân tích thất bại của công ty hàng không Thuỵ Sỹ như một bài học kinh doanh đắt giá.

 

Swiss made thuật lại sự ra đời của ngành công nghiệp du lịch ở châu Âu và thế giới; sự tài tình của người Thuỵ Sỹ khi “quay” tuyết và không khí thành dòng thác tiền cuồn cuộn (hình ảnh quảng cáo du lịch đầu tiên trên thế giới). Chiếu lại cuộn phim về sự ra đời của công nghiệp sản xuất đồng hồ nơi đây với những thăng trầm ít người biết đến. Lý giải việc tại sao các quốc gia châu Âu xưa thích dùng lính đánh thuê từ Thuỵ Sỹ (lòng trung thành và khả năng thích nghi; chủ động học hỏi ngôn ngữ và tập quán bản địa, hành xử thầm lặng và khiêm tốn đồng thời luôn nỗ lực hoà nhập với cộng đồng địa phương). Kể lại sự ra đời và thành công của sô cô la tại châu Âu (từ Thuỵ Sỹ) và đương nhiên không thể bỏ qua là lược sử ngành ngân hàng tại Thuỵ Sỹ kèm một bản chụp X-Quang về ngành công nghiệp không khói này. Câu chuyện về Vacheron làm đồng hồ, sự ra đời của  đồng hồ Jeagger LeCoultre. Làm thế nào mà  công nghiệp Y khoa và dược phẩm của Thuỵ Sỹ lại ở tầm dẫn đầu thế giới (La Roche, Norvatis)…

Swiss made cũng tiết lộ một điều “khủng khiếp”: Thuỵ Sỹ là nước chiếm lĩnh thị trường thương mại thế giới về cà phê, ca cao, kim loại, khoáng sản, dầu mỏ, khí đốt và than đá. Ít nhất 1/3 giao dịch dầu mỏ trên thế giới là qua Geneve. 1/3 sản lượng các mặt hàng ngũ cốc, hạt dầu và đường cát trên thế giới cũng được giao thương tại đây. 20% đến 60% giao dịch ácc loại khoáng sản quan trọng, 1/6 giao dịch bông trên thế giới cũng vậy,…

 

Swiss made kể câu chuyện li kì như trong tiểu thuyết về nhà sản xuất đồng hồ Breguet ( trang 81) người đã suýt chết trong thời kì Đại Khủng Bố vì cung cấp đồng hồ cho gia đình vua Loiuis 16 và tiếp tục làm đồng hồ cho hoàng hậu Marie Antoinette trong ngục tối. Câu chuyện lịch sử tên gọi chiếc đồng hồ Rolex Oyster. Chuyện doanh nhân gốc Li Băng cứu cả ngành công nghiệp đồng hồ Thuỵ Sỹ với Watch. Chuyện các nhà phẫu thuật đã kết hợp với thợ làm dao kéo từ thế kỷ 15 như thế nào để ngày nay Thuỵ Sỹ có những nhà sản xuất dụng cụ y khoa tầm vóc thế giới.

 

Không chỉ có kinh tế, Swiss Made còn kể câu chuyện đam mê về nghệ thuật và kiến trúc với : nhà điêu khắc Giacometti, nhà thơ Paul Klee, KTS thiên tài Le Corbusier. Sự ra đời của triển lãm nghệ thuật đương đại Art Basel.

 

Tham dự buổi ra mắt, một vị cưu lãnh đạo cao cấp đã nói (đại ý là) : người Thuỵ Sỹ bảo nhau đất nước họ chẳng có gì, thế mà giờ họ có tất cả. Ta bảo nhau là ta có tất cả, thế mà chúng ta chẳng có gì. Thật đáng suy ngẫm.

 

Ông Lê Quốc Vinh, chairman & CEO của LE Group cũng viết trong lời giới thiệu ở bìa sách: “Tôi đã từng cố công giải mã sự giàu có của đất nước Thụy Sĩ, nơi mà mỗi sản phẩm được làm ra đều được gắn biểu tượng “Swiss Made” kèm theo niềm tự hào dân tộc không hề giấu diếm, một niềm kiêu hãnh chung của đất nước đa chủng tộc, đa ngôn ngữ này. R. James Breiding cho tôi thấy sự kỳ diệu Thụy Sĩ xuất phát từ tinh thần bất thoả hiệp với chất lượng. Dù đó là chiếc đồng hồ, thỏi chocolate, hay nhân viên ngân hàng, người hầu bàn trong nhà hàng khách sạn… giá trị được tạo ra từ sự tinh tế hoàn hảo.”

 

Đọng lại ở cả quyển sách là 4 bài học: Đầu tư vào khoa học, công nghệ, trân trọng con người, không khoan nhượng về chất lượng và hợp tác để thành công.


Cùng với “Quốc gia khởi nghiệp”, Swiss Made là quyển rất đáng đọc. Vấn đề là làm sao nó đến được tay/tai của những người nên đọc nó nhất.

 

Trích TCBC của Alphabook và ĐSQ Thuỵ Sỹ hôm ra mắt ở Hà Nội:

“Năm 2012, GDP của Thụy Sĩ đạt hơn 600 tỉ đô-la Mỹ, tương đương với thu nhập bình quân đầu người hàng năm của quốc gia là trên 75 nghìn đô-la. Trong khi đó, tại Mỹ, thu nhập bình quân đầu người là 50 nghìn đô-la; tại Pháp và Đức, con số này khoảng 43 nghìn đô-la, còn tại Anh Quốc là 41 nghìn đô-la.

 

Thụy Sĩ cũng có tỷ lệ bằng sáng chế, tỷ lệ số người đoạt giải Nobel trên đầu người cao nhất thế giới, được xếp hạng là quốc gia cạnh tranh nhất thế giới, và hệ thống giáo dục cũng thuộc loại tốt nhất thế giới. Điều gì đã làm nên thành quả phi thường này của đất nước Thụy Sĩ vốn nổi tiếng với nguồn tài nguyên ít ỏi (ngoại trừ tài nguyên nước và thắng cảnh tuyệt mỹ phục vụ du lịch)?
 

Tại sao đất nước Thụy Sĩ- một nước nhỏ, không giáp biển và chỉ có nguồn tài nguyên ít ỏi là nước và thắng cảnh tuyệt đẹp phục vụ du lịch- lại gặt hái được rất nhiều thành công trong một thời gian dài như vậy? Trong ngân hàng , dược phẩm, máy móc, thậm chí dệt may, ở bất cứ lĩnh vực nào công ty Thụy Sĩ xếp hạng cùng với các đối thủ cạnh tranh toàn cầu lớn nhất và mạnh nhất . Làm thế nào mà họ đạt được điều đó ? Thụy Sĩ có thể tiếp tục duy trì được điều đó trong một nền kinh tế toàn cầu siêu cạnh tranh như hiện nay hay không?”

 

Nguyễn Đình Thành

10/1/2014

 

Bài sau: 10 cuốn sách hay năm 2013 nên đọc


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan