A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quan hệ giữa báo chí và Doanh nghiệp

Các nhà lý thuyết học về kinh tế thường ví von doanh nghiệp như một thực thể sống có tiếp nhận, xử lý thông tin và phát ra thông tin. Xét ở góc độ này, mối quan hệ giữa nhà báo, với tư cách người thu thập, xử lý và phát ra thông tin, với doanh nghiệp là tương đối khăng khít. Tuy nhiên, trải qua các thời kì khác nhau, mối quan hệ này ngày càng biến đổi và mang những sắc thái mới.

 

Các nhà lý thuyết học về kinh tế thường ví von doanh nghiệp như một thực thể sống có tiếp nhận, xử lý thông tin và phát ra thông tin. Xét ở góc độ này, mối quan hệ giữa nhà báo, với tư cách người thu thập, xử lý và phát ra thông tin, với doanh nghiệp là tương đối khăng khít. Tuy nhiên, trải qua các thời kì khác nhau, mối quan hệ này ngày càng biến đổi và mang những sắc thái mới.

 

Tuy tờ báo quốc ngữ đầu tiên ra đời ngày 15/4/1865 nhưng mối quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí lại chưa lâu đến thế, bởi trong thời kì đầu, mối quan tâm chính của báo chí lại là các vấn đề về chính trị và văn hóa. Thế rồi năm 1882, xuất hiện trang quảng cáo cho Nhà thuốc Pharmacie Reynaud trên tờ Gia Định báo số 1. Từ đó, quảng cáo xuất hiện thường kỳ trên Gia Định báo và dần phổ biến ở nhiều báo khác. Phải đợi đến năm 1901 mới có một tờ báo chuyên về kinh tế được xuất bản mang tên Nông cổ mín đàm xuất bản tại Sài Gòn. Có thể phỏng đoán rằng kể từ năm này, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các ‘‘nhà báo kinh tế’’ mới trở nên chính thức và thường xuyên. Suốt những năm chiến tranh đến đến những năm bao cấp, mối quan hệ giữa nhà báo và doanh nghiệp dừng lại nhiều hơn ở mức đưa thông tin về những tấm gương sản xuất chiến đấu giỏi, những chỉ tiêu kế hoạch và sản lượng đạt được, chuyện quan hệ trực tiếp giữa nhà báo và doanh nghiệp là rất hiếm. Những lúc ấy, nhà báo đi thực tế xuống địa phương và doanh nghiệp, được tặng khi chai nước mắm, lúc con cá khô đã là quý lắm.

 

Ngòi bút của nhà báo chịu sức ép lớn

Cuộc Đổi mới sau năm 1986 đã khiến số lượng các doanh nghiệp tăng vọt và mối quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí đã có sự thay đổi nhanh chóng. Trong một nền kinh tế thị trường, khi mà một bài báo có thể làm đảo chiều cả thị trường chứng khoán, một thông tin có thể khiến một nhà đầu tư kiếm cả trăm tỷ đồng cũng như có thể biến một khu vực bất động sản sôi động thành một ‘‘cánh đồng hoang’’ thì mối quan hệ này càng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Có nhiều doanh nghiệp ‘‘chi tiền không cần đếm’’ hòng có được 1 bài báo có lợi. Ngòi bút của nhà báo cũng chịu sức ép ngày càng lớn. Các doanh nghiệp cũng chú ý nhiều hơn đến mối quan hệ với báo chí và có hẳn một ban thông tin truyền thông hoặc đối ngoại phụ trách việc này.

Một doanh nghiệp giờ có thể có mối quan hệ với không chỉ một nhà báo trong một ban chuyên đề mà còn có thể có mối quan hệ với các phóng viên mảng khoa học môi trường, phóng viên xã hội, phóng viên văn hóa (với các hoạt động thể hiện trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp), phóng viên pháp luật (trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hình ảnh)…

 

Về mặt bản chất mối liên hệ nhà báo-doanh nghiệp là quan hệ win-win, hai bên cùng có lợi. Với tư cách là một thực thể kinh tế và một thành phần của xã hội, doanh nghiệp nắm trong tay nhiều thông tin quan trọng cũng như những phân tích, đánh giá có giá trị với sự phát triển của xã hội và nền kinh tế. Một doanh nghiệp nghiên cứu thị trường bất động sản hay thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ trở thành ‘‘mục tiêu săn đuổi’’ của các nhà báo kinh tế khi doanh nghiệp công bố các nhận định của mình sau một thời gian nghiên cứu nghiêm túc; một nhãn hàng có thể trở thành tâm điểm thu hút chú ý của báo giới khi họ tổ chức một buổi lưu diễn của một ngôi sao hàng đầu thế giới tới Việt Nam.

 

Tầm ảnh hưởng của 1 doanh nghiệp với báo giới không còn bó gọn trong không gian địa lý của một đất nước mà còn cả khu vực và thế giới. Tuyên bố đã tìm ra thuốc điều trị ung thư hiệu quả 100% chắc chắn sẽ đưa doanh nghiệp đó vào ‘‘tầm ngắm’’ của các cơ quan thông tấn và báo chí trong và ngoài nước. Về phần mình, chưa bao giờ, các nhận định, nhận xét của các nhà báo lại có giá trị đến như vậy với một doanh nghiệp. Thông tin về tình trạng thực nợ của một doanh nghiệp có thể dẫn đến việc doanh nghiệp đó phá sản hay tăng giá trị của mình trên thị trường chứng khoán. Một bài phân tích sắc sảo về xu hướng đầu tư trong thời gian tới có thể dịch chuyển cơ cấu tổ chức của các doanh nghiệp trong ngành nghề có liên quan.Nhà báo về bản chất bao giờ cũng cần thông tin thú vị và góc nhìn mới. Nếu các doanh nghiệp nắm được điều này, quan hệ giữa nhà báo và doanh nghiệp sẽ trở nên khăng khít và hai bên cùng có lợi.

 

Người cần thông tin, kẻ cần xã hội biết đến

Một khía cạnh khác cần chú ý trong mối quan hệ giữa nhà báo và doanh nghiệp là sự xuất hiện của một đối tác trung gian quan trọng: các PR agency hay các công ty dịch vụ quan hệ công chúng. Tuy mới chỉ phát triển mạnh trong vòng 10 năm qua nhưng khối lượng công việc của công cụ mới này thật khổng lồ mang lại lợi ích lớn lao cho cả doanh nghiệp và nhà báo. PR agency là những công ty có đội ngũ và bộ máy chuyên nghiệp. Họ tìm hiểu nhu cầu thông tin của doanh nghiệp, tình hình sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp rồi chuyển thông tin theo cách hiệu quả nhất và trung thực nhất tới nhà báo. Các thông tin này được cung cấp dưới dạng văn bản, dữ liệu, hình ảnh kèm theo lời giải thích rõ ràng tới các nhà báo và giúp cho các nhà báo làm việc dễ dàng hơn bởi nhờ có PR agency mà nhà báo và doanh nghiệp nói cùng một ngôn ngữ.

 

Mối quan hệ nhà báo doanh nghiệp không phải lúc nào cũng ‘‘cơm lành canh ngọt’’ ngay cả khi có sự trợ giúp của các PR agency. Một giám đốc marketing của 1 công ty lớn đã than thở trong một hội thảo về kinh doanh: làm việc với nhà báo sao khó thế và tại sao trong nhiều trường hợp, chúng tôi phải chi tiền để được nhắc đến trên báo chí dù là công việc chúng tôi làm xứng đáng được lên báo. Có nhà báo lại than phiền, không biết trả lời thế nào khi nhận được yêu cầu đưa tin từ phía doanh nghiệp nhưng ‘‘trong tin không có tin’’. Hoặc vì thông cáo báo chí không có hoặc có cũng sơ sài không dùng được, hoặc vì thông tin không có gì thú vị hoặc doanh nghiệp đã từng được nhắc đến và giờ đây không còn gì ‘‘mới’’ và thú vị để được nhắc đến.

 

Nhiều doanh nghiệp vì mong muốn được nhắc đến thường xuyên và liên tục trên báo chí bằng mọi giá trong khi hoạt động không có gì thú vị và nổi bật. Đây chính là cánh cửa mở đến các tiêu cực và dẫn đến sự thụt lùi chất lượng của nhiều nhà báo, tờ báo - Ông Lê Quốc Vinh, cựu nhà báo kinh tế và chuyên gia truyền thông (LE BROS) nhận định. Cần phải nhìn nhận rằng cả nhà báo và doanh nghiệp đều cần đến nhau. Điều quan trọng là mỗi bên đều làm tốt phần việc của mình và để một mối quan hệ phát triển tốt thì dù là hai đối tác, hai người láng giềng, hai người bạn…thì cũng phải được xây dựng trên cở sở cùng tôn trọng và mang lại lợi ích (dù dưới hình thức nào và không nhất thiết phải bằng vật chất) cho nhau.

 

Thay cho lời kết: Dù quan hệ trực tiếp hay qua PR agency, cần phải khẳng định mối quan hệ Nhà báo và doanh nghiệp mang tính win-win và công thức Nhà báo + x = y + Doanh nghiệp chỉ có thể cân bằng khi x và y gặp nhau và tương đương với chữ ‘‘tâm’’. Đó chính là cái tâm của người kinh doanh và cái tâm của người làm báo.

Đinh Nguyên

 

 


Tác giả: Đinh Nguyên
Tags: 242
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật