A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghi án dấu phẩy của Samsung

“The penis, mightier than the finger” mà lẽ ra phải là “The pen is mightier than the finger” – câu khẩu hiệu để quảng cáo cho chiếc bút trên sản phẩm mới của mình.  Câu chuyện nhẽ ra chẳng có gì để nói nữa nếu không có cái dấu phẩy chình ình ở giữa câu như một dấu vết của sự cố tình.

Ngày 25/11/2013,  mạng xã hội trên toàn thế giới xôn xao về việc tấm biển quảng cáo của Samsung đăng dòng slogan nhại lại của câu nói nổi tiếng: The penis, mightier than the finger (câu gốc: The pen is mightier than the sword -Ngòi bút mạnh hơn gươm giáo). Người thì bảo Samsung đang là nạn nhân của một cuộc bôi nhọ, kẻ thì bảo lại thêm một vụ tai nạn photoshop, kẻ lại thả một câu lấp lửng: ném đá mà giấu tay được, tại sao không? Mọi chuyện sẽ chẳng có gì phải bàn nếu không có cái dấu phẩy tí teo ở giữa câu.

 

Tí teo thế mà trong lịch sử chữ nghĩa, dấu phẩy ấy lại hình như chưa bao giờ nho nhỏ. Nó cho dân làng của trạng trong truyện dân gian được thịt trâu khi thay đổi cách ngắt câu của trong lời phê của quan từ : “Trâu cày không được thịt!” thành “Trâu cày không được, thịt!” Nó cũng giúp tù nhân của Sa hoàng thoát khỏi án tử hình khi bẻ ngoéo câu nói của ông từ  “Pardon impossible, to be sent to Siberia” thành “Pardon, impossible to be sent to Siberia” (Ân xá, không thể đày đi Siberia). Dấu phẩy nhỏ nhoi cũng giúp ông lão mù có thêm niềm vui: Cô gái đẹp dìu ông lão mù đi sang đường, ông lão cầm tay cô gái - Cô gái đẹp dìu ông lão mù, đi sang đường ông lão cầm tay cô gái. Nó cũng giúp thầy lang đá lại thầy giáo khi thay đổi dấu phẩy trong lời nhắn của thầy giáo từ: The teacher says the doctor is a donkey thành  The teacher, says the doctor, is a donkey. Giai thoại văn học thì có chuyện về một nhà văn trẻ gửi bản thảo nhờ nhà văn nổi tiếng đọc và điền giúp những dấu chấm phẩy còn thiếu trong bản thảo của mình. Nhà văn kia đã hóm hỉnh trả lời: “Tôi sẽ giúp anh, chỉ cần anh đọc lại, đếm xem có bao nhiêu dấu chấm, bao nhiêu dấu phẩy... cần có, cho tôi biết, tôi sẽ giúp”.

 

Thời bao cấp, cán bộ tuyên truyền cũng đã từng đau đầu với những kẻ tếu táo xuyên tạc câu nói “Không có quần chúng ta không thể làm được gì” thành “Không có quần, chúng ta không thể làm được gì”. Bạo dạn hơn có ngưởi còn trêu chọc: “Má đi làm ca ba, em ngủ với dì” bị biến thành “Má đi làm ca, ba em ngủ với dì”. Sách vở thì như vậy, biển tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình ngoài trời cũng trở thành trò cười khi xuống dòng không đúng cách tạo ra một dấu phẩy ảo: “Gia đình hai con vợ chồng hạnh phúc” lại biến thành “Gia đình hai con vợ, chồng hạnh phúc”. Đến đây ta lại gặp lại tấm biển quảng cáo của người khổng lồ Samsung: “The penis, mightier than the finger” mà lẽ ra phải là “The pen is mightier than the finger” – câu khẩu hiệu để quảng cáo cho chiếc bút trên sản phẩm mới của mình.  Câu chuyện nhẽ ra chẳng có gì để nói nữa nếu không có cái dấu phẩy chình ình ở giữa câu như một dấu vết của sự cố tình.

 

Sẽ chẳng có tay công nhân vô tình nào lại cho thêm dấu phẩy vào như thế. Cũng chẳng có tay kỹ thuật viên photoshop nào làm như thế nếu chỉ muốn trêu đùa gã khổng lồ Samsung cả. Vì thế, tấm biển quảng cáo của Samsung sẽ mãi là một nghi án cho đến khi một Edward Snowden nào đó của giới PR Marketing lên tiếng.

 

PS: câu statement của Samsung cũng rất thú vị khi cũng nhét chữ “of course” vào giữa hai dấu phẩy như một sự nhấn mạnh: "The alleged typo on a Galaxy Note billboard, of course, is fake". Cùng một cái đầu chăng?

 


 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan