A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Jarlov với tình yêu gốm Việt

“Chơi với François Jarlov, càng hiểu lại càng thêm quý chất nghệ sĩ và cách làm nghệ thuật nghiêm túc, khoa học của anh. Mỗi tác phẩm của anh đều có một lời giải thích, ghi chú, câu chuyện để mọi người hiểu rõ hơn. Anh lấy cảm hứng từ nghệ thuật châu Phi, châu Á, châu Âu, gần gũi với thiền Nhật Bản. Anh đưa người xem vào cuộc đối thoại của đất và lửa trộn với những đặc điểm văn hóa để làm nên nhiều sản phẩm độc nhất. Thật xúc động khi đến thăm nhà anh ở miền nam nước Pháp, thấy bày trong vườn nhiều chiếc chum lớn đặt hàng từ Bát Tràng cùng hàng chục loại tre khác nhau”.

Dịch giả Nguyễn Đình Thành

Thứ Hai, 01/10/2012, 19:06 (GMT+7)

Nghe đọc báo

Việt Nam và những người bạn

 

Jarlov với tình yêu gốm Việt

TT - Càng tìm hiểu, tình yêu với gốm Việt ngày thêm dâng tràn trong lòng François Jarlov, để rồi một ngày ông quyết định chọn Tiền Giang quê vợ làm nơi khởi đầu những sáng tạo.

 

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=591197

Vợ chồng François Jarlov - Thùy Mai đã có được những thành quả lao động từ lòng say mê gốm Việt - Ảnh: Tấn Đức

 

Miệt vườn Gò Công (Tiền Giang) sẽ có lò gốm làm từ đất phèn tại chỗ? Mấy năm trước, các bậc cao niên ở địa phương không ai tin điều đó. Nhưng bây giờ mọi người không khỏi ngỡ ngàng khi tận mắt thấy những bộ bình trà, chén đĩa, bình hoa và nhiều món trang trí để bàn mượt mà, óng ả, bắt mắt vô cùng. Lại càng ngạc nhiên hơn khi biết những sản phẩm ấy ra đời từ chính đôi tay của chàng rể François Jarlov đến từ xứ Provence, bên bờ Địa Trung Hải xa xôi của nước Pháp...

Cái nắm tay định mệnh

"Tôi hạnh phúc khi làm được điều kỳ diệu:  sử dụng đất phèn Tiền Giang quê vợ để làm ra các sản phẩm gốm cao cấp theo kỹ thuật Provence quê tôi"

François Jarlov

Năm 2000, thông qua Trung tâm Ngôn ngữ và văn minh Pháp tại Hà Nội, họa sĩ, nghệ nhân gốm François Jarlov (sinh năm 1959) lần đầu tiên đến VN hướng dẫn kỹ thuật làm gốm Raku cổ truyền của Nhật cho giảng viên khoa điêu khắc Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Sau lần hội ngộ ấy, hai chữ VN đã “hớp hồn” François, thôi thúc ông làm cuộc hành trình xuyên dải đất hình chữ S, để rồi bốn năm sau người ta lại thấy ông xuất hiện ở Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (TP.HCM), rồi Bảo tàng Lịch sử TP.HCM trong vai trò thuyết trình viên cho các tác phẩm mỹ thuật của chính ông.

Cũng trong năm này, ông xuất bản một cuốn sách viết về văn hóa và lịch sử VN qua góc nhìn của những bạn trẻ sống tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM. Bằng những bức ảnh, tranh vẽ màu nước đẹp như cổ tích của mình, François mang đến cho người đọc những cảm xúc chân thật, những câu chuyện có thật về các địa phương ông đã đi qua. Theo dõi xuyên suốt các hoạt động của François, Phan Thị Thùy Mai, người con gái Gò Công, đang làm việc trong lĩnh vực xuất bản, triển lãm nghệ thuật tại Sài Gòn, đã không khỏi bất ngờ, thán phục trước tài năng và tấm lòng của chàng nghệ sĩ xứ người. Không nén được lòng mến mộ, Thùy Mai, bằng vốn tiếng Pháp học được hồi là sinh viên đại học ngoại thương, đã đánh bạo cất lời khen ngợi các tác phẩm của François.

Gốm như phụ nữ vậy!

“Gốm đẹp cũng như phụ nữ vậy, phải hội đủ hai tiêu chuẩn: nhất dáng, nhì da. “Dáng” là mẫu mã, được định hình bởi xương gốm (đất); còn “da” là màu sắc do lớp men tráng tạo ra. Một cái chén uống trà tôi cũng phải làm đi làm lại năm, bảy lần. Làm thế nào khi nhìn thoáng qua ánh mắt của bạn không bị trôi tuột đi, buộc bạn phải liên tưởng tới một cái gì đó rất có ý nghĩa. Đó là sức sống của sản phẩm. Sức sống cùng với tính tiện dụng, chẳng hạn như xương gốm phải đủ độ dày để trà vừa rót ra, cầm chén trên tay vẫn không bị nóng, rồi chiều cao, độ rộng giữa thân và miệng chén phải phù hợp để chống sánh (đổ) khi bạn đưa lên miệng, không bị lật khi bạn đặt nó trở xuống bàn. Bấy nhiêu chưa đủ, chén phải có những gam màu phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thị trường mà bạn nhắm tới...” - François phân tích.

Tình bạn lớn dần giữa hai người. Rồi họ cùng nhau tham gia một chuyến du lịch tới đất nước chùa tháp. Chuyến xuất ngoại đầu tiên đối với cô gái miền Tây sẽ không có gì đáng nói nếu không có tình huống bất ngờ xảy đến: khi qua một đoạn đường dốc, Thùy Mai suýt bị trượt chân. Đang chới với thì đúng lúc ấy bàn tay François đã chìa ra. “Khi ấy cơ thể tôi như có một luồng điện chạy qua, và tôi biết rằng từ nay trên quãng đường còn lại của cuộc đời, tôi sẽ nắm chặt tay cô ấy” - François ví von.

Sau đám cưới, François cùng vợ khi thì miệt mài tại xưởng gốm gia đình ở vùng Provence (Pháp), lúc lại viễn du từ Âu sang Á, tất bật với các hoạt động giảng dạy, triển lãm gốm sứ, hội họa.

Đi nhiều, tiếp xúc nhiều, vợ chồng François - Thùy Mai lại bật ra những câu hỏi: Tại sao không tạo ra một thương hiệu riêng cho gốm Việt để thế giới biết về VN nhiều hơn? Đi tìm lời giải cho câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng hóc búa ấy, François và vợ đã mất gần hai năm rong ruổi khắp làng gốm nổi tiếng trong cả nước để tìm hiểu cách làm ra sản phẩm, từ khâu chọn đất, nặn gốm, tráng men đến quá trình đốt lò, giải nhiệt cho sản phẩm. Hai người cũng dành nhiều thời gian đến các bảo tàng mỹ thuật, vào những ngôi đình, chùa cổ để tận mắt thấy, tận tay chạm vào những sản phẩm gốm sứ cổ mà các nghệ nhân Việt đã sáng tạo cách nay hàng trăm, thậm chí cả ngàn năm. Càng tìm hiểu, tình yêu với gốm Việt ngày thêm dâng tràn trong lòng François, để rồi một ngày ông quyết định chọn Tiền Giang quê vợ làm nơi khởi đầu những sáng tạo. “Ảnh nói với tôi rằng muốn thông qua gốm để tái hiện cuộc sống ở đất nước VN và con người VN, rồi mang những sản phẩm giàu tính mỹ thuật đó đi triển lãm, giới thiệu với bạn bè quốc tế. Tất nhiên tôi đồng ý cả hai tay” - Thùy Mai kể.

Kiên nhẫn đến tận cùng

Căn nhà số 342B Thiện Chí, thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây (Tiền Giang) thật ấm cúng, có cả tiếng trẻ thơ, được thiết kế như một phòng trưng bày các sản phẩm gốm sứ. Bên cạnh đó là một phòng thí nghiệm với vô số loại men, đất nguyên liệu, bàn xoay và cả lò nung mini phục vụ công việc tạo mẫu, tạo màu. “Một số sách viết về đồ gốm sứ của tôi, nhưng tôi muốn sản phẩm gốm tự nói lên tất cả. Đó sẽ là một câu chuyện rất dài, bởi muốn có được một tác phẩm ưng ý đòi hỏi sự chính xác rất cao trong từng công đoạn và trên hết cần phải có lòng kiên nhẫn, kiên nhẫn đến tột cùng” - François Jarlov mở đầu câu chuyện.

Khởi nghiệp ở vùng đất ít ai ngờ làm được gốm, vợ chồng François phải đối mặt với bao khó khăn. Có những món đồ nghề ông phải mang từ Pháp sang. Còn nguyên vật liệu xây lò cũng phải mua tận xứ gốm Bát Tràng hoặc Bình Dương. Nhưng cái khó nhất là việc đi tìm đất. Phải thử từng loại một xem chúng có chịu được nhiệt độ cao hay không. Chọn được đất rồi lại tiếp tục thử với các loại men truyền thống của VN và cả men do François mang từ Pháp qua, xem khi nung ở nhiệt độ trên dưới 1.300 độ C sản phẩm sẽ ra sao. Như con ong cần mẫn, François dành cả ngày lẫn đêm cho gốm. Ông tỉ mẩn nhào nặn, tạo hình từng sản phẩm rồi đưa vào lò nung và hồi hộp chờ đợi đứa con tinh thần của mình ra đời sẽ có “màu da”, vóc dáng ra sao.

Kinh nghiệm và kỹ thuật làm gốm François tích lũy được trong gần 30 năm tham gia triển lãm, trao đổi kinh nghiệm làm gốm ở nhiều quốc gia có nghề gốm phát triển như Pháp, Ý, Trung Quốc, Nhật, Thái Lan... cộng với quá trình thực tế tại các làng gốm Việt đã giúp ông có được những sản phẩm độc đáo, vừa kế thừa những kiểu dáng, màu sắc của gốm truyền thống VN vừa có sức sống, tính thẩm mỹ và giá trị sử dụng cao.

Những sản phẩm đầu tiên từ phòng thí nghiệm ở Gò Công với thương hiệu gốm Đông Gia được mang đi triển lãm lập tức đem lại cho vợ chồng ông những đơn hàng xuất khẩu với số lượng lớn. Nhưng đầu tư một cơ sở sản xuất gốm thủ công không hề đơn giản. Nào là dây chuyền thiết bị lọc rửa tạp chất trong đất, thiết bị làm tơi đất, máy nén đất, lò nung và nhất là khâu đào tạo công nhân phải mất ít nhất hai năm. Tại các làng nghề gốm lâu đời, người ta phân công lao động theo từng khâu, nhà làm đất (nguyên liệu), nhà làm lò nung, còn thợ thủ công phần lớn được học nghề gia truyền từ bé nên sản xuất thuận lợi hơn. Vậy nên trước mắt để đáp ứng phần nào nhu cầu khách hàng, vợ chồng François đã thuê nhà xưởng tại xã Giang Cao (Gia Lâm, Hà Nội), không xa làng gốm Bát Tràng, để tận dụng nguồn nguyên liệu và nhân công có tay nghề cơ bản ở địa phương, còn mẫu mã, men và kỹ thuật làm gốm theo đơn hàng được đưa ra từ phòng thí nghiệm ở Tiền Giang.

Việc làm rất đáng trân trọng

“Vùng này xưa tới giờ không thấy ai làm gốm, mà có lẽ cũng không ai nghĩ sẽ làm được. François Jarlov đã bỏ công sức từ Pháp sang đây cùng vợ mở phòng thí nghiệm làm gốm để nâng cao giá trị sử dụng của tài nguyên đất. Vợ chồng anh ấy còn tự nguyện bỏ công sức, tiền của để thực hiện đề tài Nghiên cứu ứng dụng men Celadon và Thiên mục điểm tuyết bằng nguồn nguyên liệu trong nước, trên xương gốm từ đất sét Tân Lập (huyện Tân Phước, Tiền Giang). Đề tài này đã đoạt giải 3 tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần 9 (2010-2011). Đây là việc làm rất đáng trân trọng và có ý nghĩa lớn đối với địa phương”.

Ông Nguyễn Văn Đẹp (phó trưởng phòng kinh tế - hạ tầng huyện Gò Công Tây, Tiền Giang)

Tài hoa và gần gũi

“Chơi với François Jarlov, càng hiểu lại càng thêm quý chất nghệ sĩ và cách làm nghệ thuật nghiêm túc, khoa học của anh. Mỗi tác phẩm của anh đều có một lời giải thích, ghi chú, câu chuyện để mọi người hiểu rõ hơn. Anh lấy cảm hứng từ nghệ thuật châu Phi, châu Á, châu Âu, gần gũi với thiền Nhật Bản. Anh đưa người xem vào cuộc đối thoại của đất và lửa trộn với những đặc điểm văn hóa để làm nên nhiều sản phẩm độc nhất. Thật xúc động khi đến thăm nhà anh ở miền nam nước Pháp, thấy bày trong vườn nhiều chiếc chum lớn đặt hàng từ Bát Tràng cùng hàng chục loại tre khác nhau”.

Dịch giả Nguyễn Đình Thành

 

TẤN ĐỨC

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/513775/Jarlov-voi-tinh-yeu-gom-Viet.html

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan